Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3887288

Người đàn ông đạp cửa vào phòng khám khiến bác sĩ tái mặt

Nghe tiếng kêu của vợ, người chồng đạp cửa xông vào, giơ tay đấm thẳng vào mặt nữ nhân viên y tế. Bác sĩ trong phòng phải mời bảo vệ vào can thiệp. Lúc này, người chồng mới thừa nhận anh không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng nghe tiếng vợ kêu là anh phải đánh…

Đó là một trong những tình huống mà người làm trong ngành y tế không bao giờ muốn nhắc đến. Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện với người viết, một bác sĩ đã phải thừa nhận, thời gian gần đây những hành động bạo lực xảy ra nhiều hơn ở bệnh viện và các cơ sở y tế. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc số lượng nhân viên y tế phải nhận những cú đấm, những cái tát vô lý ngay tại nơi làm việc cũng nhiều hơn.

Tại khoa đẻ A2, bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1991) cho biết, cô đã từng chứng kiến rất nhiều người chồng, mím môi mím lợi, tay bám chặt vào lan can ở hàng lang bệnh viện để kìm nén sự lo lắng, hồi hộp khi vợ bước vào phòng sinh. Tuy nhiên, cũng có không ít lần, các y bác sĩ ở khoa này phải đối mặt với những người đàn ông mất bình tĩnh.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1991 - BV Phụ sản Hà Nội).
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mai Linh (SN 1991 - BV Phụ sản Hà Nội).

“Anh ta quát nạt, làm ầm ĩ và tra hỏi y bác sỹ vì vợ anh ta vào viện từ sáng mà đến chiều không đẻ. Tuy nhiên, anh ta không biết, với những trường hợp sinh con lần đầu, ca đẻ có thể kéo dài tới 18, 20 tiếng” - nữ hộ sinh sinh năm 1991 chia sẻ.

BS Đồng Thu Trang (bệnh viện Phụ sản Hà Nội, SN 1986) lại cho rằng, những tình huống bạo lực, mất kiểm soát ngôn ngữ của người dân thường xuất hiện ở khu vực phòng khám hơn. Trong nghề, nhiều đồng nghiệp của cô vẫn đùa một cách chua chát rằng “phòng khám chính là nơi đầu sóng ngọn gió”. Ở đó, các nhân viên y tế có thể bị “ăn đòn” nếu người nhà mất bình tĩnh.

Nữ BS kể về trường hợp 1 thai phụ đang mang thai ở tuần thứ 6.

“Cô ấy vào viện vì phát hiện bị ra máu. Khi vào, cô ấy không mang theo sổ khám nhưng lại khẳng định đã khám 1 lần tại bệnh viện này. Vì vậy, nhân viên y tế hỏi cô ấy về các thông tin, tên tuổi, địa chỉ để vào hệ thống lấy mã số bệnh nhân (tại bệnh viện, mỗi bệnh nhân có 1 mã số để tiện việc quản lý hồ sơ và thanh toán viện phí - nv). Tuy nhiên, nhân viên y tế mới hỏi đến câu thứ 4 thì thai phụ này quát ầm ĩ: “Hỏi gì mà hỏi lắm thế. Ối chồng ơi là chồng…” - nữ BS nhớ lại.

Nghe tiếng kêu của vợ, người chồng ở đâu đạp cửa xông vào, giơ tay đấm thẳng vào mặt nữ nhân viên y tế. Bác sĩ ở phòng khám phải mời bảo vệ vào can thiệp. Lúc này, người chồng mới thừa nhận anh không biết trong phòng đã xảy ra chuyện gì, nhưng nghe tiếng vợ kêu là anh phải đánh.

Cảnh chờ đợi ở hành lang khoa đẻ bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Cảnh chờ đợi ở hành lang khoa đẻ bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Lần khác, nữ BS kể, bệnh nhân vào viện lúc 9h tối sau 10 ngày bị ra máu vùng kín. Tuy nhiên, trong quá trình khám, bệnh nhân luôn có biểu hiện co rụt người khi các bác sĩ động vào người.

“Sau quá nhiều thời gian loay hoay nhưng không thể khám được cho bệnh nhân, bác sĩ mới đề nghị cô gái: “Em ơi, em hợp tác để các chị khám, vì còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ phía ngoài”. Sau đó, các bác sĩ tiến hành đưa dụng cụ y tế vào khám cho bệnh nhân. Thế nhưng, khi dụng cụ vừa chạm vào người thì cô gái kêu la ầm ĩ.

Ngay sau tiếng kêu đó, một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đạp cửa xông vào chửi bới, dọa nạt ê kíp”- BS Đồng Thu Trang buồn rầu nhớ lại.

Nữ BS cho biết, khi nghe tiếng ồn ào trong phòng khám, nhiều bệnh nhân biết chuyện còn khuyên giải người chồng và đề nghị bệnh nhân phối hợp để các bác sĩ làm việc. Thế nhưng, người chồng này vẫn lớn tiếng quát nạt và dọa quay video để đưa lên mạng xã hội.

“Lúc đó, quả thực cả ê kíp chỉ lo lắng cho tình trạng của bệnh nhân. Chị ta bị chảy máu nhưng vì không thể khám nên không biết rõ tình trạng bệnh. Mọi người phải huy động cả nhân viên gây mê hồi sức ở phòng mổ xuống hỗ trợ mới hoàn thành được công việc. Tuy nhiên, khi hết ca trực trở về, ngồi nghĩ lại, tôi thấy rất buồn. Cái nghề khiến chúng tôi tự hào nhưng đôi khi cũng làm mình bị chạnh lòng” - BS Trang chia sẻ.

Theo nữ BS sinh năm 1986, chị không dám thừa nhận tất cả những bức xúc của người dân với nhân viên y tế thời gian gần đây đều vô lý vì ở đâu đó vẫn có những người ứng xử chưa chuẩn mực. Thế nhưng, mọi trường hợp đều có cách giải quyết thay vì xu hướng bạo hành. Quan trọng hơn, trước khi hành xử, mọi người cần có sự bình tĩnh để tìm hiểu vấn đề.

Theo Vietnamnet 

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h