Truy cập

Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
3887288

Viêm mũi xoang: Không tự khỏi - Dễ biến chứng

Viêm mũi xoang là chỉ tình trạng viêm của một hay nhiều xoang mũi bao gồm: hàm trên, gốc mũi, trán và xương bướm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thế nào là viêm mũi xoang?
Viêm mũi xoang là hiện tượng viêm niêm mạc mũi và hệ thống xoang mặt, làm niêm mạc mũi xoang sung huyết, phù nề, các lỗ thông xoang bị tắc không còn chức năng dẫn lưu và vận chuyển niêm dịch. Viêm mũi xoang có thể là viêm cấp (dưới 4 tuần), bán cấp (8 - 12 tuần) hoặc viêm mạn tính (trên 12 tuần).

Viêm mũi xoang chiếm khoảng 30 - 40% số các bệnh nhân đến khám tai mũi họng và khoảng 85% bệnh nhân viêm mũi xoang chỉ cần điều trị ngoại trú. Bệnh chủ yếu gặp ở người lớn, tuy nhiên có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh thường có biểu hiện hắt xì, ngứa mũi, nghẹt mũi, đau nhức, chảy dịch, điếc mũi, đau ở trán hay hốc mắt, đau tai.

Chẩn đoán viêm mũi xoang không khó, tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán viêm mũi xoang là tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng. Việc sử dụng CT scan hoặc MRI chỉ cần thiết khi nghi ngờ bệnh lý xoang đặc biệt như viêm mũi xoang do nấm, do răng, khối u mũi xoang lành hoặc ác tính, viêm mũi xoang có chỉ định phẫu thuật.
vm1.jpg
Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm mũi xoang thường được xếp thành các nhóm:
- Do viêm nhiễm: Vi khuẩn (thường do bội nhiễm vi khuẩn từ ngoài vào xoang), virus (đôi khi do nấm, do răng).
- Do dị ứng: Tình trạng dị ứng niêm mạc mũi lan dần vào xoang và thường không tách rời viêm mũi dị ứng riêng.
- Do chấn thương: Các chấn thương tụ máu xoang có thể nhiễm khuẩn gây viêm.
- Một số yếu tố thuận lợi: Dị hình vách ngăn, làm việc trong môi trường ô nhiễm, hóa chất, đái tháo đường...
- Hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản: Dịch acid đi lên vùng mũi xoang gây viêm và đây là một trong những nguyên nhân của bệnh viêm mũi xoang khó điều trị.

Viêm mũi xoang cấp
Viêm mũi xoang cấp thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị viêm mũi họng hoặc cảm cúm 1 tuần. Người bệnh xuất hiện sốt trở lại, chảy nước mũi vàng xanh, ngạt tắc mũi, ho, đau nhức mặt và đau đầu, đôi khi mất ngửi. Quan sát thấy rãnh mũi má có thể đầy, ấn cánh mũi, đầu trong cung lông mày, góc trong ổ mắt đau. Khám hốc mũi thấy niêm mạc mũi sung huyết, nề, cuốn mũi quá phát, sàn và khe mũi nhiều dịch vàng xanh hoặc nâu bẩn. Khám họng thấy niêm mạc họng đỏ, thành sau họng có dịch chảy từ cửa mũi sau; vòm mũi họng sung huyết, đọng dịch.

Điều trị viêm mũi xoang cấp thường sử dụng kháng sinh nhóm betalactam, đôi khi cân nhắc sử dụng nhóm macrolid hoặc quinolone trong trường hợp dị ứng kháng sinh penicillin hoặc thấy tình trạng bệnh nhân không cải thiện sau 3 ngày điều trị. Có thể sử dụng kháng viêm corticoid hoặc chymotrypsine hoặc kháng viêm nonsteroid; thuốc hạ sốt, giảm đau.

Tại chỗ sử dụng thuốc nhỏ hoặc xịt với tác dụng co mạch, chống sung huyết, chống viêm, hút xoang và khí dung tại chỗ, miếng đắp ấm làm giảm đau nhức vùng mặt.

Nếu viêm mũi xoang do nấm hoặc do răng, thường loại bệnh này khu trú một bên của xoang, dịch có mùi hôi, bẩn, lợn cợn. Nếu viêm xoang do răng bệnh nhân còn ngửi thấy mũi thối (chỉ người bệnh mới ngửi thấy mùi này), răng hàm trên số 3,4,5,6 đau nhức (viêm quanh cuống, viêm chân răng, dị vật vào xoang hàm sau nhổ răng, hoặc làm vỡ đáy xoang hàm, dẫn đến thông thương xoang và khoang miệng).

Phim CT scan và phim paranoma răng sẽ giúp chẩn đoán xác định. Để điều trị, cần phẫu thuật xoang hàm dẫn lưu dịch, lấy tổ chức trong xoang làm giải phẫu bệnh (nấm) hoặc dẫn lưu xoang và bít lấp lỗ thông từ răng vào xoang (viêm xoang do răng).

Viêm mũi xoang mạn
Bệnh kéo dài trên 12 tuần. Bệnh nhân thường xuyên chảy dịch xuống họng, ngạt tắc mũi từng lúc hoặc thường xuyên, giảm ngửi hoặc mất ngửi. Khám thấy niêm mạc mũi nhợt màu, cuốn dưới quá phát, cuốn giữa thoái hóa, có thể có polip khe trên, khe giữa...
Điều trị viêm mũi xoang mạn theo nguyên nhân (thường là dị ứng). Có thể sử dụng kháng histamine uống, dạng xịt steroid hoặc kháng histamine, thuốc tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, có thể phẫu thuật mũi xoang (nếu có chỉ định).
Với những viêm mũi xoang có yếu tố cơ địa, có thể phối hợp thêm vitamine A, D, thuốc kháng histamine...
Tuy nhiên, việc điều trị viêm xoang loại này thường chỉ ổn định mà không khỏi được hoàn toàn.
vx2.jpg
Hình ảnh can thiệp nội soi phẫu thuật mũi xoang (Nguồn: Internet)
 
Biến chứng của viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang thường không tự khỏi và diễn biến thành viêm mũi xoang mạn hoặc gây các biến chứng của viêm mũi xoang nếu không được điều trị. Một số biến chứng của viêm mũi xoang có thể gặp:
- Biến chứng mắt: Viêm kết mạc, viêm bờ mi, áp xe tuyến lệ, viêm tấy tổ chức liên kết hốc mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu.
- Biến chứng tai: Viêm tai giữa thường do dịch mũi xoang đi qua vòi tai vào tai giữa.
- Biến chứng hô hấp: Viêm phế quản, giãn phế nang không hồi phục.
- Biến chứng xương: Cốt tủy viêm xương hàm trên, xương thái dương.
- Biến chứng nội sọ: Viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm màng não, áp xe não (hiếm gặp).
Ngoài ra, còn có thể gặp một số biến chứng như viêm thận, viêm khớp...

Có thể phòng ngừa bệnh?
- Sử dụng khẩu trang trước khi ra đường và khi làm việc trong môi trường ô nhiễm. Giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...
- Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc vì có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang.
- Cần giữ ấm khi đi ngoài trời mưa, lạnh, tránh bị cảm và chuyển thành viêm mũi xoang.
- Vệ sinh mũi, họng thường xuyên với dung dịch nước muối sinh lý.
- Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm của răng, hội chứng trào ngược.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể cũng như niêm mạc mũi xoang bằng các thuốc tăng cường miễn dịch...
Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn và điều trị ngay, tránh trường hợp để bệnh chuyển biến thành viêm mũi xoang.
 

Sáng: 7h30 - 11h30 | Chiều: 13h30 - 17h